Chính phủ đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp

Tại tọa đàm Chính phủ và doanh nghiệp: Đồng hành vượt khó, do Báo Điện tử Chính phủ tổ chức ngày 8/10 – nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, cộng đồng doanh nghiệp (DN), doanh nhân cũng như chuyên gia đều cho rằng Chính phủ đã cùng “đồng cam cộng khổ”, kề vai, sát cánh cùng DN vượt qua khó khăn

Cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn

2 năm qua, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, ở mọi hoàn cảnh, mọi thời điểm, Chính phủ luôn quan tâm, đồng hành, tạo các điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động DN qua việc lắng nghe, tiếp thu ý kiến đề xuất; đề ra các định hướng, chỉ đạo nhiệm vụ; chủ động xử lý các khó khăn, vướng mắc của DN… Trong những ngày cao điểm chống dịch, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhiều lần khẳng định sẵn sàng đối thoại và làm việc với bất kỳ hiệp hội DN nào để xử lý các vấn đề đặt ra. Đến nay, dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, kinh tế – xã hội đạt nhiều thành tựu quan trọng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam dự kiến cao vượt mục tiêu và cao nhất trong khu vực.

Chính phủ đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp -0
Tháo gỡ nguồn vốn vay là cứu cánh của doanh nghiệp.

Là cơ quan đại diện cho cộng đồng DN, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhớ lại khi đại dịch đang bùng phát ở Việt Nam, mỗi ngày VCCI nhận được hàng trăm phản ánh, kiến nghị của các DN, đại sứ quán các nước nơi có DN FDI của họ ở Việt Nam. VCCI cũng đề xuất với Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng đã chỉ đạo triệu tập Hội nghị gặp gỡ DN toàn quốc, giao VCCI, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Văn phòng Chính phủ triển khai. Đây là hội nghị lớn, quy mô toàn quốc, cả 63 tỉnh, thành, có cả Bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh tham dự. Đây là “cuộc giải vây ngoạn mục” cho DN trong vòng vây của dịch COVID-19 lúc bấy giờ. Thứ hai là đã tổ chức tiêm vaccine trong cả nước rất kịp thời. Thứ ba là có các giải pháp hỗ trợ DN phục hồi và phát triển hậu COVID-19. “Tôi cho rằng sự đồng hành vừa qua là rất tuyệt vời, kề vai sát cánh”, ông Công nhận xét.

Ngay khi dịch bệnh được cơ bản kiểm soát vào cuối năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 ngày 11/10/2021 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành khá đồng bộ các cơ chế, chính sách, trong đó có giải pháp về tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ DN. “Chúng ta nên lưu ý Nghị quyết 128 có sự đặc biệt là Nghị quyết về phục hồi và phát triển chứ không chỉ phục hồi không. Các nước thông thường chỉ phục hồi nhưng chúng ta “máu lửa” hơn, mặc dù còn yếu nhưng xác định là phát triển. Chỗ này nói lên quyết tâm rất cao của Chính phủ, khát vọng phát triển của đất nước, nhân lúc này để phát triển đất nước. Tôi đánh giá rất cao cách tiếp cận về phát triển, về cải cách của Chính phủ trong lúc này”, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên nhận định.

Gỡ “điểm nghẽn”

Đến từ cộng đồng DN, ông Hồ Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn CMC nhận định việc Chính phủ đồng cam cộng khổ với DN như thời gian qua là động lực để DN vượt qua khó khăn và phát triển. “Nhân ngày 13/10 là ngày doanh nhân Việt Nam, qua các chia sẻ, chúng tôi luôn luôn thấm đẫm tinh thần phải tự chủ, cả lúc lên lẫn lúc xuống đều phải có những phương án ứng phó khi khó khăn để tìm ra “con đường sáng”. Tuy nhiên, chúng tôi xác định trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều biến động, đặc biệt là về tỷ giá, lãi suất, trong dài hạn, các DN sẽ khó khăn hơn. Vì vậy, với cộng đồng DN nói chung, việc giữ ổn định tỷ giá, lãi suất và đặc biệt là “cứu vốn” cho DN là rất cần thiết”, ông Tùng nói.

Cũng góp tiếng nói từ phía doanh nghiệp, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT kiêm TGĐ ngân hàng Sài Gòn Thương tín (Sacombank) nhìn nhận thực trạng là giữa những định hướng, quyết sách, nghị định của Nhà nước đi vào thực tế có một khoảng cách rất xa. “Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ lấy gói hỗ trợ lãi suất để hỗ trợ nhưng DN họ rất ngại tiếp cận với gói hỗ trợ lãi suất do điều kiện, thanh tra, hậu kiểm, rồi sau nhiều năm có khi lại sai phạm. Cho nên cần quan tâm, chú trọng hơn trong vấn đề giữa nghị định, chính sách và thực tế”, bà Diễm đề xuất.

Đại diện cộng đồng DN, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho rằng các chính sách của Chính phủ ban hành rất tốt cũng nhưng không phải chính sách nào triển khai được ngay nên DN phải chủ động giải quyết và đối phó với những tình huống khác nhau. Sau đại dịch, cơ hội mở ra rất lớn cho DN Việt Nam. Đó là những cơ hội thị trường mới ở cả trong nước và quốc tế, có những chuỗi cung ứng của nước ngoài vào Việt Nam bị đứt gãy thì chính cơ hội cho DN Việt Nam thâm nhập. Do đó DN Việt Nam phải nhanh chóng tìm cơ hội và tạo năng lực cho mình, và ở đây cũng cần sự đồng hành của Chính phủ.

Trong khi đó, TS Trần Đình Thiên chỉ ra một số điểm nghẽn của DN. “Một là đứt chuỗi, đơn hàng hiện nay có nguy cơ giảm chứ ko phải tăng lên như chúng ta nghĩ, vì vậy, phải đánh giá cẩn thận. Hai là, DN hiện nay rất khát vốn, nếu không tập trung cứu DN thì nền kinh tế có nguy cơ đánh mất thành quả và chậm nhịp, lỡ thời cơ. Việc tháo gỡ vốn cho DN phải tập trung hàng đầu, căn cứ vào dự án cụ thể chứ theo thủ tục hành chính chung thì rất khó. Lúc tình thế bất thường phải hành động khác thường thì mới được”, ông Thiên nói.

Nguồn :https://cand.com.vn/doanh-nghiep/chinh-phu-dong-hanh-sat-canh-cung-doanh-nghiep-i670275/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.