Ngành gỗ lên tiếng về cáo buộc lẩn tránh thuế
Doanh nghiệp xuất khẩu gỗ có thể đối diện với rủi ro phá sản rất cao nếu bị áp đặt các loại thuế phòng vệ hà khắc.
Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa công bố kết luận sơ bộ của vụ việc điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với gỗ dán sử dụng nguyên liệu gỗ cứng nhập khẩu từ Việt Nam. Kết luận sơ bộ của DOC cho rằng gỗ dán từ Việt Nam nếu có lõi sử dụng nguyên liệu là ván bóc nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ bị áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp như đang áp dụng với gỗ dán nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trong khi Mỹ đang áp dụng thuế chống bán phá giá với sản phẩm này của Trung Quốc lên tới 183,36% và thuế chống trợ cấp từ 22,98% – 194,9%.
Phản biện DOC
Căn cứ kết luận sơ bộ này, DOC sẽ đề nghị Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ (CBP) dừng thanh khoản và yêu cầu nhà nhập khẩu nộp tiền đặt cọc bằng mức thuế chống lẩn tránh tạm tính đối với các lô hàng nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ kể từ ngày 17-6-2020 (ngày thông báo khởi xướng điều tra) đối với các trường hợp bị áp dụng biện pháp.
DOC cho phép các nhà xuất khẩu Việt Nam cũng như các nhà nhập khẩu Mỹ tham gia cơ chế tự xác nhận để được loại trừ khỏi biện pháp lẩn tránh. Cơ chế này không áp dụng đối với những doanh nghiệp (DN) mà DOC đánh giá là không cung cấp thông tin hoặc hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, chính xác theo yêu cầu của DOC trong quá trình điều tra. Theo tính toán, số lượng các DN được tham gia tự chứng nhận chiếm khoảng 80% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong giai đoạn điều tra.
Các bên liên quan có quyền gửi bình luận bằng văn bản đối với kết luận sơ bộ của DOC và văn bản đề nghị tổ chức phiên điều trần đối với các nội dung bình luận lên DOC trong vòng 30 ngày kể từ ngày thông báo kết luận sơ bộ (25-7-2022). DOC dự kiến sẽ tiến hành thẩm tra để xác minh thông tin trước khi ban hành kết luận cuối cùng (17-10-2022).
Nguyên liệu gỗ trước khi được đưa vào chế biến Ảnh: NGUYỄN HẢI
Theo ông Ngô Sỹ Hoài, Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, vụ việc này liên quan đến nhiều DN gỗ trong nước. Cụ thể, phía Mỹ đã nêu tên 21 DN có hợp tác tốt, 22 DN không phản hồi và 14 DN không hợp tác. Tuy nhiên, theo ông Hoài, sở dĩ các DN không phản hồi, không hợp tác có thể do khách quan như họ không hiểu biết, ngoại ngữ chưa tốt, kể cả việc thuê luật sư không am hiểu chuyên môn, kể cả khai báo không chuẩn.
Để giải vụ việc trên, theo ông Hoài, cần có sự tích cực vào cuộc từ nhiều phía, như: cơ quan quản lý nhà nước có văn bản chính thức liên quan đến vụ việc gửi đến DOC để giải thích rõ ràng; hiệp hội ngành gỗ sẽ đăng ký tham gia điều trần với cơ quan của Mỹ, cũng như có hành động cụ thể để bảo vệ quyền lợi của hội viên bằng nhiều hình thức phản biện, chứng minh cụ thể các vấn đề liên quan như tình hình xuất nhập khẩu, nguyên liệu từ đâu. Thậm chí, mời cả phái đoàn phía Mỹ sang Việt Nam thị sát cụ thể. Đối với từng DN cũng phải phản bác những vấn đề liên quan không đúng bản chất, đăng ký với họ để được điều trần.
Liên tục cảnh báo
Đáng chú ý, không riêng gì gỗ dán, vừa qua, DOC còn khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp mặt hàng tủ gỗ và bàn trang điểm và các cấu kiện nhập khẩu từ Việt Nam. Ông Ngô Sỹ Hoài cho biết phía Mỹ khởi xướng điều tra với các mặt hàng này vì họ cho rằng có thể có gian lận thương mại, như: sản phẩm gỗ thành phẩm được đưa vào Việt Nam để lấy xuất xứ hoặc đưa lõi gỗ ván ghép nhiều lớp vào Việt Nam rồi dán tiếp 2 mặt, tức công đoạn tại Việt Nam là quá ít hoặc nhập từng lớp gỗ rồi dán lại để né tránh thuế.
Lý giải vì sao Mỹ thường xuyên có hoạt động điều tra phòng vệ thương mại với sản phẩm gỗ, ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), cho biết xuất khẩu gỗ của Việt Nam có sự tăng trưởng lớn trong thời gian vừa qua, như gỗ dán, sản phẩm chiếm 30% tỉ trọng nhập khẩu vào Mỹ, tủ bếp cũng tương tự. Bên cạnh mặt tích cực cũng đặt ra những rủi ro, tạo áp lực cạnh tranh đủ lớn cho nước nhập khẩu và họ sẽ sử dụng công cụ phòng vệ thương mại. Một nguyên nhân khác là các mặt hàng này đã từng bị điều tra trong quá khứ, từng bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.
Theo ông Chu Thắng Trung, Bộ Công Thương luôn khuyến khích DN tham gia điều tra. Bởi trong trường hợp có kết quả tốt, DN có thể không bị áp thuế hoặc áp thuế mức độ thấp. Còn nếu DN không nỗ lực tham gia điều tra thì rất có thể bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với mức độ khác nhau. Thậm chí, DN sẽ đối diện với rủi ro phá sản rất cao nếu bị áp đặt các loại thuế phòng vệ hà khắc.
Cũng liên quan tới việc Mỹ liên tục có hoạt động điều tra phòng vệ thương mại với sản phẩm gỗ nhập khẩu từ Việt Nam, vài năm gần đây các tổ chức, hiệp hội đã liên tục đưa ra những cảnh báo. Mới đây nhất, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA Bình Định), Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (HAWA), Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) và Tổ chức Forest Trends đã công bố báo cáo về “Thương mại gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam – Trung Quốc”.
Trong đó nhấn mạnh rủi ro trong gian lận thương mại đối với các nhóm hàng như tủ bếp được làm từ gỗ dán và bộ phận của ghế sofa nhập khẩu từ Trung Quốc. Hay nhóm mặt hàng sản phẩm gỗ, gỗ dán từ Trung Quốc cũng ẩn chứa rủi ro tương tự. Các hiệp hội khuyến cáo về lâu dài việc giảm rủi ro về gian lận thương mại trong các mặt hàng gỗ nhập khẩu từ Trung Quốc có vai trò quan trọng nhằm duy trì và phát triển ngành gỗ xuất khẩu của Việt Nam.
“Gỗ từ Trung Quốc nhập sang Việt Nam để mượn xuất xứ rồi xuất sang Mỹ, nếu xảy ra sẽ ảnh hưởng lớn đến ngành gỗ của Việt Nam” – ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch HAWA, bày tỏ lo lắng.
Để hạn chế rủi ro về gian lận thương mại, các hiệp hội kiến nghị Chính phủ, cơ quan quản lý hỗ trợ DN hướng tới sản xuất, kinh doanh bền vững, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật, đúng thông lệ quốc tế, ngăn chặn tình trạng hiểu lầm về một số biểu hiện như không sử dụng gỗ bất hợp pháp; không lẩn tránh thuế, không gian lận xuất xứ.
Nguồn :https://cafef.vn/nganh-go-len-tieng-ve-cao-buoc-lan-tranh-thue-20220817095446712.chn